Phòng ngộ độc chì cho bé
Sơn cửa, sơn tường có thể khiến bé bị nhiễm độc nếu đó là loại sơn gốc chì. Các mẩu sơn dễ bị bong tróc mỗi khi mẹ đóng, mở cửa hoặc làm sứt tường – đây cũng là lúc để chì phân tán trong không khí.
Chì không ngấm qua da nhưng khi bé để các mầu sơn dính vào tay, bé có thể đưa chúng vào cơ thể mình nếu mút tay. Thậm chí, bé có thể ngộ độc khi hít phải không khí có các phần tử chì.
Những nguồn tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc chì cho bé:
– Đồ gỗ cũ, đồ chơi được sơn hoặc đánh bóng bằng các sản phẩm sơn gốc chì. (Sơn lại những thứ này có thể không đủ để ngăn nguy có nhiễm độc. Sơn chì phải được cạo đi qua một quy trình đặc biệt hay ít nhất được bao bọc kín lại)
– Sàn lát nhựa vinyl.
– Đường ống nước bằng chì cũ hay đường ống bằng đồng với mối hàn chì.
– Vòi nước bằng đồng thau cũ.
– Chìa khòa làm từ đồng thau (đừng để bé chơi với chìa khóa).
– Đồ gốm có lớp men chứa chì.
– Thức ăn đóng hộp có mối hàn chì.
– Quả cân có chì.
– Chì cũng có thể xuất hiện ở những chỗ ít ai nghĩ tới. Một vài loại nến có bấc lõi kim loại, thải một lượng chì không an toàn vào không khí khi mẹ thắp sáng, bởi vậy hãy dùng loại có bấc bằng giấy hay cotton.
Biểu hiện ngộ độc chì
Nếu mức chì trong máu tương đối thấp, bé sẽ không có biểu hiện gì. Khi bị nhiễm độc nặng, bé sẽ chán ăn, táo bón, dễ cáu gắt, ngủ lịm, nôn mửa hay co giật.
Hậu quả tới sức khỏe
Các nghiên cứu cho thấy lượng chì trong máu sẽ làm giảm chỉ số thông minh IQ, khả năng học tập; gây ra vấn để về hành vi (như quá kích động, hung dữ, chểnh mảng), khả năng nghe bị ảnh hưởng, tình trạng chậm phát triển và thận bị tổn thương. Mức độ cao hơn có thể làm trí tuệ kém phát triển, hôn mê và thậm chí là tử vong.
Phòng tránh ngộ độc chì cho bé
– Giữ cho nhà cửa sạch sẽ. Lau bụi và những mạt sơn tróc bằng khăn ẩm.
– Đảm bảo giường, cũi, đồ chơi không nhiễm chì.
– Nếu bé còn nhỏ, cần trông chừng để bé không liếm (gặm, mút) những bề mặt sơn như cũi, đồ nội thất, chấn song cửa sổ, đồ chơi sơn màu…
– Phát hiện và loại bỏ những bề mặt chứa chì trong nhà, chẳng hạn đồ chơi, dụng cụ đựng thức ăn, đồ đạc khác.
– Có thể đưa bé tới bác sĩ để kiểm tra nồng độ chì, nhất là khi mẹ nghi ngờ con bị nhiễm chì.
– Đảm bảo đủ dinh dưỡng cho bé. Nếu bé được nuôi dưỡng tốt, cơ thể bé sẽ ít có nguy cơ nhiễm độc chì cho dù bé có tiếp xúc với nó. Đồ ăn béo và chiên rán làm cơ thể nhiễm độc chì nhanh nhất. Do đó điều quan trọng là cần cho bé ăn đủ sắt, canxi, protein, vitamin C và kẽm.
– Vệ sinh tay cho bé. Rửa tay cho bé, với bé lớn hơn thì dạy bé tự rửa tay nhiều lần trong ngày, đặc biệt là sau khi bé vui chơi bên ngoài và trước khi ăn bữa chính hay ăn vặt.
Bé dễ bị ngộ độc chì vì thuốc cam
Tiến sĩ Phạm Duệ (Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, không ít bé nhập viện vì ngộ độc chì do thuốc cam chủ yếu dưới 3 tuổi, thậm chí có cả bé 1 tháng tuổi.
Theo bác sĩ Duệ, chì là một chất cực độc, đặc biệt nguy hiểm đối với bé, nhất là trong trường hợp ngộ độc cấp tính. Chì khó thải loại, khi vào cơ thể nó theo máu đến các cơ quan: gan, thận, não, tủy xương, dây thần kinh, cơ… khiến bé đau bụng, thiếu máu, suy nhược cơ bắp, suy thận, liệt chi, liệt mắt, mất tiếng nói. Sau đó, bé có thể co giật từng cơn, vì thế dễ nhầm với bệnh động kinh. Nếu không được điều trị kịp thời, bé dễ hôn mê và tử vong.
Điều đáng nói là thời gian điều trị cho các bệnh nhân bị ngộ độc chì rất lâu, có thể kéo dài hàng năm trời. Thế nhưng những di chứng về thể chất và trí não thì khó có thể hồi phục được, ảnh hưởng tới sự phát triển của bé.
Ông khuyến cáo cha mẹ cần thận trọng khi cho con dùng thuốc cam, đặc biệt không bao giờ dùng thuốc của những người bán rong, bán ở chợ… Những thuốc này không được kiểm nghiệm, không biết thành phần có gì, thậm chí không rõ nguồn gốc từ đâu. Những cha mẹ nào từng cho con uống thì nên đưa con đi xét nghiệm máu để xem có bị ngộ độc chì không.