Nước ối báo bệnh

11/06/2020

“Bản báo cáo” từ nước ối

– Rỉ ối, ối vỡ sớm: Giờ bé chào đời cũng là lúc ối vỡ òa như đệm nước để cuộc sinh trở nên nhẹ nhàng. Do đó, ối vỡ sớm phần lớn báo hiệu một cuộc sinh không suôn sẻ. Ối vỡ sớm là tình trạng thai phụ bị đột ngột ra nước ở “cửa mình”. Điều này gặp khá thường khi thai phụ gần ngày sinh.

Khi bị rỉ ối, ối vỡ sớm, thường có hai nguy cơ là nhiễm trùng ối và thai non tháng. Việc xử trí của bác sĩ chuyên khoa sẽ tùy thuộc vào tuổi thai nhi và tình trạng nhiễm trùng ối.

– Đa ối: Lượng nước ối bình thường thay đổi tùy thuộc vào tuổi thai. Ở thai đủ tháng, khi lượng nước ối nhiều hơn 2 lít được gọi là đa ối. Ở trường hợp đa ối các bác sĩ phải quan tâm nhiều hơn, bởi nguyên nhân gây đa ối rất nhiều: có thể thai phụ mắc bệnh tiểu đường, bệnh thận, tiền sản giật…; hoặc thai dị dạng bất thường đường tiêu hóa, phù nhau thai… Đa ối thường gặp trong đa thai và một số bất thường về hệ thần kinh trung ương của thai nhi như não úng thủy, thai vô sọ, cột sống chẻ đôi… nhưng cũng có những trường hợp đa ối không tìm ra nguyên nhân.

Nước ối nhiều, thai nhi di động dễ dàng nên có thể bị dây rốn quấn cổ, ngôi bất thường. Ối nhiều còn làm mẹ khó thở, bụng căng to, dễ có cơn gò tử cung tăng nguy cơ đẻ non, ối vỡ sớm, tử cung bị đờ dễ bị băng huyết sau sinh (máu chảy ồ ạt không dứt, thai phụ chết vì mất máu)…

– Thiểu ối: Nước ối được sinh ra từ nhau thai và tuần hoàn máu của mẹ, trong nước ối có muối khoáng, các chất hữu cơ, các chất điện giải, các nội tiết tố và là môi trường vừa bảo vệ, vừa giúp thai phát triển. Khi nước ối ít hơn nhiều so với tuổi thai, người ta gọi là thiểu ối. Ở thai đủ ngày đủ tháng nhưng lượng nước ối dưới 500ml thì được gọi là thiểu ối. Có nhiều nguyên nhân khiến lượng nước ối không đủ như: thai thiếu oxy trong thời gian dài, suy dinh dưỡng bào thai, thai bị dị dạng hệ tiết niệu, thai chết trong chuyển dạ hoặc sau sinh, thai chết lưu… Thiểu ối còn gặp ở trường hợp mẹ suy dinh dưỡng, thai suy dinh dưỡng, vỡ ối sớm…

– Chọc ối tìm bệnh: Chọc ối phát hiện bệnh di truyền (hội chứng Down, bệnh lý hồng cầu, nhược cơ, xơ hóa nang…) thường được thực hiện sớm khi thai 15-18 tuần tuổi. Khi chọc ối, bác sĩ sẽ dùng kim rất nhỏ, lấy một lượng ối phân tích về di truyền.

Dù kim nhỏ, cẩn trọng nhưng chọc ối có một số nguy cơ trên thai nhi như nhiễm trùng, sẩy thai… Vì thế, chọc ối không được chỉ định một cách rộng rãi mà chỉ tiến hành khi thai phụ có nguy cơ cao bị các bất thường nhiễm sắc thể qua các xét nghiệm tầm soát, hoặc các thai phụ từng sinh con dị tật, gia đình có con dị tật, mẹ lớn tuổi…

Cần biết trong điều trị

Theo bác sĩ Lưu Thị Thanh Loan – BV Từ Dũ TP.HCM thì quan niệm “cần phải phẫu thuật sớm” khi thai phụ bị ra nước ở âm đạo không phải lúc nào cũng đúng. Việc thường xuyên khám âm đạo bằng tay khi bị ối vỡ làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng ối nhiều hơn. Do đó, việc theo dõi sản phụ và thai nhi có thể được thực hiện qua thân nhiệt của mẹ, nhịp tim thai, cơn gò tử cung, xét nghiệm máu…

Hiện nay, chưa có phương cách nào dự phòng ối vỡ sớm một cách hiệu quả. Khi thấy ra nước ở “cửa mình” như đi tiểu hoặc đột ngột ra nước nhiều… thai phụ cần đi khám sớm để các bác sĩ chuyên khoa theo dõi và có cách xử trí phù hợp…

Nước ối được xem như bản báo cáo sức khỏe của bé, bác sĩ chỉ cần khảo sát thể tích, tỷ trọng và màu sắc nước ối là dự báo được tình trạng phát triển và sức khỏe cũng như dị tật (nếu có) của thai nhi. Do đó, khám thai định kỳ theo đúng hẹn là điều mà thai phụ nên ưu tiên thực hiện.

(Theo PNO)