Người đái tháo đường có cần kiêng tuyệt đối các loại bột đường?
Đái tháo đường là một bệnh rối loạn chuyển hóa chất bột đường gây tăng đường huyết mạn tính do hậu quả của sự thiếu hụt hoặc giảm hoạt động của insulin hoặc kết hợp cả hai. Tình trạng tăng đường huyết kéo dài sẽ gây tổn thương nhiều cơ quan trong cơ thể, gây nhiều biến chứng nghiêm trọng như bệnh tim mạch, suy thận, tổn thương mắt, tổn thương bàn chân, rối loạn cảm giác, dễ nhiễm trùng, vết thương lâu lành… ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng sống của người bệnh.
Hiện nay chưa có phương pháp điều trị triệt để bệnh đái tháo đường, biện pháp chính điều trị bao gồm dùng thuốc hạ đường huyết, chế độ dinh dưỡng và vận động hợp lý nhằm kiểm soát đường huyết ở mức càng gần bình thường càng tốt để ngăn ngừa biến chứng.
Như vậy, dinh dưỡng ở người bệnh đái tháo đường là một trong những biện pháp điều trị đóng vai trò quan trọng đến kết quả điều trị, duy trì sức khỏe của người bệnh, hạn chế biến chứng, tăng chất lượng cuộc sống. Nguyên tắc dinh dưỡng cho người bệnh đái tháo đường là cung cấp đủ năng lượng và các chất dinh dưỡng nhưng không làm tăng đường huyết, giúp người bệnh khỏe mạnh, phòng tránh biến chứng.
Cách lựa chọn bột phù hợp cho người đái tháo đường
Nên chọn lựa các loại thực phẩm có chỉ số đường huyết (GI) thấp, dùng vừa phải thực phẩm có GI trung bình và hạn chế thực phẩm có GI cao.
Các loại ngũ cốc:
Thô (nguyên hạt, nguyên cám): gạo lức, gạo mầm, yến mạch, kiều mạch, bánh mì đen/nâu, bắp hạt, đậu đỗ nguyên hạt… hấp thu chậm, tốt cho người đái tháo đường.
Tinh chế (xay xát kỹ, đã qua chế biến): gạo trắng, bột gạo, bánh mì trắng, bánh quy, bột bắp, bột sắn dây, bột lọc… hấp thu nhanh, nên hạn chế dùng.
Các loại khoai củ: khoai lang, khoai sọ, khoai tây, cà rốt… nhiều xơ hấp thu chậm, nên dùng nhưng lưu ý cách chế biến nên hấp, luộc hạn chế nướng.
Các loại trái cây: càng ngọt càng nhiều đường hấp thu nhanh, không nên dùng quá nhiều.
Các loại đường và thức ăn chứa đường: đường cát, đường phèn, đường thốt nốt, bánh kẹo ngọt, nước ngọt, chè, kem… nên hạn chế, dùng càng ít càng tốt.
Quy tắc vàng trong dinh dưỡng giúp ổn định đường huyết
Ăn đúng giờ, đủ bữa: mỗi ngày nên ăn đều đặn 3 bữa chính và 1-2 bữa phụ giúp người bệnh duy trì mức đường huyết ổn định, không tăng quá cao ngay sau bữa ăn cũng như không bị hạ đường huyết khi xa bữa ăn.
Ăn đủ năng lượng: ăn vừa đủ no, duy trì cân nặng ở mức lý tưởng, giảm cân nếu có thừa cân, béo phì.
Đảm bảo đủ các chất dinh dưỡng trong mỗi bữa ăn chính: gồm bột đường (ưu tiên thô, ít chế biến); chất đạm (thịt cá nạc, đậu đỗ… hạn chế thực phẩm giàu cholesterol như da, gan, cật, óc…); chất béo (ăn vừa phải các loại béo không no như mỡ cá, dầu nành, dầu oliu, dầu phộng…, hạn chế chất béo no như mỡ, bơ…); rau củ: ăn nhiều rau sống, luộc, hấp, nấu canh… ; trái cây ít ngọt.
Bổ sung sữa trong khẩu phần hàng ngày: sữa không đường, tách béo, hoặc sữa dành riêng cho người đái tháo đường.
Chế biến hợp lý: không xay nhuyễn, ninh nhừ, ưu tiên hấp, luộc, không nêm nhiều muối.
Ăn phối hợp thực phẩm giúp chậm hấp thu đường vào máu
Ăn phối hợp bột đường với đạm, béo, rau củ …, các chất đạm, béo, chất xơ trong rau củ giúp giảm hấp thu đường.
Phối hợp thực phẩm có GI cao và thấp trong chế biến: ví dụ cơm nấu với các loại đậu, mì xào rau củ…
Sử dụng thực phẩm dinh dưỡng y học có chỉ số đường huyết GI thấp
Người đái tháo đường và tiền đái tháo đường rất cần được bổ sung dinh dưỡng nhưng lại phải cẩn thận về lượng đường có trong thực phẩm hàng ngày. Do đó, sử dụng thực phẩm dinh dưỡng y học được nghiên cứu bởi các chuyên gia dinh dưỡng NutiFood bổ sung dưỡng chất giúp ổn định đường huyết và tăng cường sức khỏe như sữa Diabet Care Diamond là lựa chọn hợp lý. Với chỉ số đường huyết GI ở mức 26.9 hoàn toàn phù hợp cho sức khỏe của người đáo tháo đường và tiền đái tháo đường.